Bốn Gợi Ý Giúp Doanh Nghiệp Nâng Cao Hiệu Quả Đào Tạo Nghiệp Vụ Khách Sạn
14/02/2022
Trong ngành dịch vụ khách sạn, khách hàng và sự hài lòng của họ là điều mà tất cả doanh nghiệp đều hướng đến. Dù việc sở hữu tố chất về phục vụ khách hàng là ưu thế lớn cho nhân viên ngành dịch vụ khách sạn, doanh nghiệp vẫn cần xây dựng những chương trình đào tạo chuyên sâu để đảm bảo tất cả mọi người đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ ngày càng cao.
Bài viết sau đây sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra chiến lược và công cụ đào tạo để đưa nhân viên trở thành những “siêu sao” trong ngành khách sạn.
1. Tổ chức buổi định hướng (orientation) cho nhân viên mới
Theo Typsy, một nền tảng giáo dục chuyên về đào tạo nghiệp vụ khách sạn, hoạt động đào tạo, cũng như trong những ngành nghề khác, được bắt đầu từ những buổi định hướng (orientation). Những buổi định hướng sẽ giúp nhân viên mới nhanh chóng làm quen với văn hóa và chính sách của doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc cũng như sự gắn kết với tổ chức. Những buổi định hướng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của nhân viên, và vì thế cần đảm bảo truyền tải một số nội dung tổng quan như:
- Câu chuyện về thương hiệu: Mỗi nhân viên cần hiểu rõ về lịch sử, sứ mệnh cùng những yếu tố làm nên thương hiệu của doanh nghiệp đó trên thị trường. Đây sẽ là nguồn cảm hứng định hình nên quan điểm và thái độ của nhân viên mới, thúc đẩy họ làm việc để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.
- Quản trị nhân sự: Bộ phận HR nên chu toàn những công việc giấy tờ liên quan và trao đổi rõ ràng với nhân viên về những phúc lợi như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, số ngày nghỉ phép có lương,…
- Củng cố nguồn nhân lực: Doanh nghiệp nên đưa ra những kỳ vọng thực tế thông qua việc xem xét và chỉnh sửa nếu cần sổ tay nhân viên, trang phục làm việc cùng với các chính sách khác.
Một buổi định hướng chi tiết sẽ giúp cho nhân viên mới có được khởi đầu hoàn hảo nhất.
2. Xây dựng sổ tay nhân viên
Khi được cấp một quyển sổ tay hướng dẫn toàn diện, nhân viên sẽ hiểu rõ hơn doanh nghiệp đang kì vọng điều gì từ những chính sách và quy trình hiện hành. Sổ tay nhân viên không chỉ là công cụ đào tạo ban đầu hữu hiệu mà còn là những hướng dẫn về cách ứng xử, cho phép nhân viên và quản lý có thể trao đổi một cách hiệu quả về yêu cầu công việc. Khi nhân viên được cập nhật về tất cả yêu cầu công việc, hiệu suất làm việc của họ không chỉ trở nên đồng nhất mà những rủi ro về mâu thuẫn và kiện tụng cũng được giảm thiểu. Trong dài hạn, việc xây dựng sổ tay nhân viên còn giúp doanh nghiệp đưa ra chính sách và quy trình hiệu quả hơn, cũng như xây dựng văn hóa làm việc tích cực và gắn kết.
3. Kết hợp đào tạo về công nghệ, kỹ thuật
Dịch vụ khách sạn là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao và công nghệ có thể giúp doanh nghiệp tinh giản quy trình, cắt giảm chi phí, giảm tải khối lượng công việc cho nhân sự, cải thiện trải nghiệm người dùng,… Nhanh chóng bắt kịp xu thế và ứng dụng công nghệ có thể giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thách thức thực sự nằm ở khả năng nhân viên sử dụng và khai thác công nghệ, chứ không phải ở số lượng công nghệ mới mà doanh nghiệp đó triển khai. Công nghệ mới ngày một phát triển, từ thanh toán không chạm (touchless payment), màn hình cảm ứng POS, rô-bốt,…và điều này khiến cho việc kết hợp đào tạo công nghệ, kỹ thuật cho nhân sự mới càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Doanh nghiệp có thể tham khảo một số bước sau đây để đảm bảo nhân viên được cập nhật cách sử dụng các công nghệ mới:
- Tổ chức một buổi đào tạo trực tuyến cách sử dụng phần mềm
- Phát tài liệu đào tạo cho nhân viên hoặc tài liệu do phía công ty kỹ thuật cung cấp
- Cung cấp hướng dẫn sử dụng và cách khắc phục sự cố trong sổ tay nhân viên
- Lưu trữ tất cả tài liệu đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng trên dữ liệu đám mây (cloud) của doanh nghiệp để có thể sử dụng bất kì lúc nào.
Nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn khi họ được trang bị các kỹ năng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực khách sạn.
4. Thường xuyên tạo cơ hội dự khán công việc (job shadowing)
Theo Typsy, doanh nghiệp không nên đưa nhân viên thiếu kinh nghiệm vào làm việc trực tiếp. Trước tiên, họ cần được kèm cặp bởi những người có kinh nghiệm để được chỉ dẫn về cách làm việc. Việc đọc lý thuyết về công việc hoàn toàn khác với trải nghiệm công việc đó trên thực tế. Vì vậy, quá trình dự khán cho phép nhân viên mới quan sát và biết cách áp dụng những kinh nghiệm được đào tạo vào thực tiễn, trong một môi trường ít áp lực hơn.
Doanh nghiệp nên tạo cơ hội dự khán phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của từng nhân viên. Ví dụ, một nhân viên dọn phòng tập sự cần 20 giờ để dự khán một nhân viên dọn phòng có kinh nghiệm khác, tuy nhiên một người đã có chuyên môn có thể chỉ cần 5 giờ để hiểu cách vận hành của công việc dọn dẹp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đưa ra đánh giá sau mỗi chương trình dự khán. Nếu đánh giá cho rằng nhân viên đó chưa đủ những năng lực cần thiết cho công việc, họ sẽ cần dành nhiều thời gian hơn để học hỏi từ người đã có kinh nghiệm trước.
Đào tạo nghiệp vụ khách sạn có thể là thách thức cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ ngay với Talentnet để nhận được giải pháp HR chuyên nghiệp nhất, đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp.