Xây Dựng Môi Trường Làm Việc Bền Vững và Lành Mạnh Trong Doanh Nghiệp
14/10/2021
Tuy đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mục tiêu chiến lược và xây dựng hình ảnh thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp cần có những lưu ý để lập kế hoạch xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả.
Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp bao gồm các yếu tố giá trị, đạo đức, tầm nhìn, hành vi và môi trường làm việc của một tổ chức. Có thể nhìn nhận rõ ràng văn hóa doanh nghiệp thông qua cách thức tương tác giữa các thành viên trong tổ chức với nhau, trong phong cách lãnh đạo cũng như các quyết định, mục tiêu mà tổ chức hướng tới.
Với doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng bởi nó chính là nét độc đáo và bản sắc riêng của của mỗi tổ chức. Nó phản ánh các giá trị cốt lõi và tác động trực tiếp đến hình ảnh của tổ chức, đến cách thức khách hàng, đối thủ, nhân viên và các ứng viên tiềm năng nhìn nhận tổ chức đó. Sở hữu văn hóa doanh nghiệp vững mạnh không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài mà còn giúp nhân viên dễ dàng chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và các yếu tố văn hóa khác, từ đó tạo sự ổn định trong việc vận hành, ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt thường sở hữu đội ngũ nhân viên có tinh thần làm việc cao và năng suất lao động hiệu quả. Nó giúp cải thiện mức độ tương tác giữa nhân viên với nhau, mang lại trải nghiệm độc đáo, giúp nhân viên hiểu được giá trị của bản thân, tạo sự gắn kết nội bộ và môi trường làm việc an toàn.
Những khó khăn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Khi tiến hành xây dựng văn hóa công ty, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khó khăn sau:
Việc hình thành tư duy và thái độ cho cả một tập thể là một thách thức không nhỏ, nhất là khi chúng đã trở thành thói quen lâu dài, khiến cho việc xây dựng hay đổi mới văn hóa doanh nghiệp trong một thời gian ngắn là rất khó.
Sự không nhất quán trong trong việc xây dựng và thực hành văn hóa doanh doanh nghiệp cũng là một vấn đề phổ biến. Doanh nghiệp không xác định được mục tiêu cụ thể, giá trị cốt lõi của mình, đồng thời lại thực hiện một cách cứng nhắc và không đồng đều các chính sách về văn hóa công ty.
Truyền thông, giao tiếp nội bộ về văn hóa doanh nghiệp không hiệu quả, dẫn đến các hoạt động thiếu đi tính kết nối cần có. Nó trở thành nghĩa vụ và gánh nặng thay vì thúc đẩy sự gắn kết và nâng cao năng suất lao động cho nhân viên.
Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Bên cạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ những ngày đầu khi công ty mới hình thành, việc sử dụng các công ty cung cấp dịch vụ, chuyên gia tư vấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp để có cái nhìn mới mẻ và hợp lý hơn về văn hóa của mình cũng là một sự lựa chọn hợp lý. Dù lựa chọn cách thức nào, doanh nghiệp đều cần có những lưu ý để lập kế hoạch xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả.
Định hình rõ văn hóa doanh nghiệp bằng cách thiết lập các giá trị và nguyên tắc cốt lõi mà công ty hướng tới. Doanh nghiệp có thể tự đặt các câu hỏi: mục đích kinh doanh? doanh nghiệp muốn được biết đến như thế nào? doanh nghiệp mong đợi gì ở nhân viên? v.v.
Truyền đạt văn hóa doanh nghiệp tới nhân viên một cách rõ ràng và minh bạch. Đừng ngần ngại lắng nghe ý kiến phản hồi, đánh giá của nhân viên bởi nhân viên sẽ có nhiều cơ hội thấu hiểu những mong đợi từ doanh nghiệp, trở nên gắn bó với doanh nghiệp hơn nhờ tham gia đóng góp vào việc xây dựng văn hóa.
Văn hóa doanh nghiệp chỉ thật sự mạnh mẽ và tạo nên đội ngũ nhân sự gắn bó khi các giá trị của công ty được áp dụng hiệu quả. Sự cam kết và quyết tâm từ doanh nghiệp là cách tốt nhất để tạo dựng niềm tin ở nhân viên.
Talentnet Corporation