“Sinh viên ngành tâm lý có nhiều kỹ năng phá phù hợp cho ngành nhân sự như kỹ năng thấu cảm, giao tiếp, tư duy linh hoạt, xử lý tình huống… Đây là bước đệm rất tốt để các bạn dấn thân vào nghề quản trị con người. Sinh viên tốt nghiệp có thể thử sức ở nhiều “địa hạt” trong ngành nhân sự, có thể bắt đầu ở bộ phận tuyển dụng hoặc gắn kết nhân viên. Đây là các bộ phận sử dụng nhiều kỹ năng giao tiếp, cần sự nhạy bén để “đọc vị” ứng viên, thấu cảm với người lao động, phát huy các kỹ năng và kiến thức mà sinh viên tâm lý đã được trang bị trên ghế nhà trường”, bà Ngọc Trân chia sẻ.
Học Ngành Tâm Lý, Có Phải Ra Trường Chỉ Làm Tham Vấn?
29/12/2023
Khó phát triển, hiếm cơ hội việc làm, nhiều lý thuyết là những điều mà mọi người vẫn thường nghĩ về ngành tâm lý.
Ngành tâm lý chỉ là học lý thuyết?
Được thực hành tại lớp theo nhiều cấp độ khác nhau, Thẩm Quyên, sinh viên năm 4, ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết rất hứng thú với những tiết học chuyên ngành. “Chúng tôi được thảo luận nhóm, viết, vẽ, đóng vai trải nghiệm, tự phân tích chính mình”, Quyên cho hay.
Định hướng phát triển theo mảng tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Tường Vi, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang chuẩn bị hồ sơ để kiến tập tại cơ sở, trung tâm ở TP.HCM.
Theo Tường Vi, một số người giữ quan niệm ngành tâm lý chỉ học thuần trên sách vở, số khác cho rằng đây là ngành đoán suy nghĩ của người khác hoặc khó tìm việc. Tuy nhiên, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngày nay rất rộng mở bởi tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực đời sống. “Tâm lý học không phải là ngành dễ để theo đuổi, không chỉ học để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mà còn thấu hiểu và khai phá bản thân”, Tường Vi cho biết.
Bước chuyển mình trong đào tạo
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết, tâm lý học đang phát triển nhưng cần thừa nhận đây là ngành mới tại Việt Nam và đang có bước chuyển mình tại các trường ĐH đào tạo ngành tâm lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp vào trường học, sinh viên thực hành ngoài xã hội nâng cao kỹ năng.
“Trường cũng có những môn học trang bị kỹ năng cho sinh viên như dự án cá nhân, tư duy phản biện. Mỗi năm nhà trường đều thực hiện khảo sát ý kiến của nhà tuyển dụng. Trên cơ sở dữ liệu đó, nhà trường sẽ thay đổi khung đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng kịp thời. Giảng viên cũng tăng cường thêm chuyên môn, đưa công nghệ kỹ thuật vào giảng dạy”, cô Vui chia sẻ.
Thạc sĩ Vui cũng nhận định, ngành tâm đang phát triển tại Việt Nam, yêu cầu tính thực hành nghề nghiệp cao, nhu cầu xã hội dự kiến sẽ tăng mạnh.
Về phía thị trường lao động, bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài, Talentnet Corporation, cho biết, hiện nay các doanh nghiệp dần đi theo hình thức tuyển dụng dựa trên kỹ năng, lựa chọn ứng viên có những kỹ năng phù hợp với công việc, thay vì chỉ coi trọng bằng cấp, kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn. Ngành nhân sự cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Theo bà Ngọc Trân, là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, các trường ĐH nên trang bị thêm cho sinh viên những kỹ năng như sức bền trước biến động, sự nhạy bén, kỹ năng phân tích dữ liệu.