Person – centric – xu hướng của thời đại
11/09/2023
Sau nhiều biến có ảnh hưởng trực tiếp đối với người lao động, các doanh nghiệp đang dần chuyển đổi môi trường làm việc từ “People-centric” trở thành “Person-centric”.
Có gì khác biệt giữa “People Centric” và “Person Centric”?
“People-centric” – “đặt con người làm gốc” có thể xem là chiến lược hàng đầu được nhiều doanh nghiệp áp dụng vì thông điệp nhân văn đằng sau: người lao động đều là con người, không phải những cỗ máy làm thuê. Chiến lược này giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng, được trao cơ hội phát triển, từ đó tổ chức cũng làm việc gắn kết và hiểu quả hơn.
Tuy nhiên, qua thời gian, việc tập trung vào “con người” hay “người lao động” vẫn chưa đủ, bởi đây vẫn là các từ khóa đại diện cho tập thể, số đông chứ chưa thật sự hướng tới từng cá nhân.
Theo ông Jack Nguyễn, Phó tổng giám đốc Talentnet, nếu trước đây một quyền lợi có thể áp dụng cho mọi nhân viên cùng hưởng thì người lao động lúc này cần nhiều hơn như vậy. Ông cho biết, đây là kết quả tất yếu của việc thay đổi tư duy của người lao động sau những biến động thị trường. Bên cạnh đó, sự thay đổi mô hình làm việc cũng mở ra nhiều nhu cầu và mong muốn về sự linh hoạt hơn trong quyền lợi mỗi cá nhân.
“Person-Centric” – Doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu?
Theo “Top Employers Institute World of Work Trends Report 2023”, khảo sát thực hiện với lực lượng lao động toàn cầu đã dự đoán năm 2023 sẽ là thời điểm “People-Centric” chuyển mình mạnh mẽ trở thành “Person-Centric”.
Trên thế giới, nhiều tổ chức cũng đã đưa ra các sáng kiến để không chỉ đáp ứng quyền lợi cá nhân, mà còn trao quyền lựa chọn vào tay người lao động.
Tại WalkMe, một công ty dịch vụ phần mềm của Mỹ, nhân viên mới ngoài 1 laptop được công ty cung cấp, cũng sẽ được nhận thêm 300 USD để tự do mua sắm các trang thiết bị phù hợp cho góc làm việc tại gia. Hay Microsoft, ông lớn vốn nổi tiếng vì các chương trình phúc lợi hấp dẫn để nhân viên được lựa chọn, phù hợp với nhu cầu tinh thần của họ. Từ nhóm dịch vụ sức khỏe gồm quản lý cân nặng, rèn luyện thể lực, massage thư giãn, sử dụng đường chạy, sân bóng và phòng tập thể hình cho đến nhóm dịch vụ thiết yếu như giặt khô, giao hàng, sử dụng quán cà phê.
“Person-Centric” có thể là một thử thách nhưng nếu nhìn về lợi ích lâu dài, chiến lược không chỉ mang đến lợi ích cho nhân viên mà còn cả tổ chức.
Để vận hành “Person-Centric”, các tổ chức cần đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực hơn trong việc lắng nghe từng nhân viên, nhằm nâng tầm tính cá nhân hóa. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ thực hiện được nếu có sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ cho phép đo lường và báo cáo tức thì, liên tục về nhu cầu và trải nghiệm thực tế của nhân viên.
Tại Việt Nam, đây vẫn còn là một tương lai khá xa, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu gần gũi nhất là cá nhân hóa chính sách lương thưởng, phúc lợi và đãi ngộ, đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động hiện tại.