Doanh Nghiệp Học Được Gì Từ Bài Học Đổi Mới Của Spacex, Lionhead Studio Và Apple?
07/11/2023
Đâu đâu cũng nói về sự đổi mới, nhà nhà đều nói về sự sáng tạo, vậy liệu có ai nói với bạn về những nghịch lý này chưa?
Càng đổi mới, càng mất nhân viên?
Những phát kiến trong lĩnh vực du hành và khám phá không gian như phát triển tên lửa và tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, chuyến bay vũ trụ có phi hành đoàn thương mai… đã giúp SpaceX trở thành công ty có tỷ lệ đổi mới cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Điều này nhờ vào đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và tinh thần đổi mới được duy trì như một DNA mạnh mẽ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ giữ chân nhân tài của SpaceX đang ở mức đáng ngại với 73% nhân viên đang cân nhắc tìm kiếm một công việc mới. Ngoài lý do thay đổi trong mô hình lãnh đạo, áp lực sáng tạo (creative burn out) là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ gắn bó với SpaceX giảm xuống.
Nhân viên sáng tạo tự do, doanh nghiệp có lo?
Lionhead Studios – “cha đẻ” của các tựa game huyền thoại như Black and White hay Fable đã xây dựng một môi trường phát triển tự do cho nhân viên thỏa sức sáng tạo. Nhưng khi họ trao quyền “quá mức” cho nhân viên – như trong trường hợp sản xuất với tựa game Fable: Legends, Lionhead Studios đã lãng phí không chỉ thời gian, nguồn lực mà còn tiêu tốn tới 75 triệu USD nhưng không đạt kết quả như mong muốn.
Để tự do không biến thành mối lo, việc xây dựng KPI phù hợp và xác định nhiệm vụ rõ ràng cho nhân viên là cần thiết. Khi đó, doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ và hiệu suất dự án, đồng thời giúp nhân viên hiểu được định hướng và mục tiêu để sáng tạo. Tuy gói gọn trong công thức “Sáng tạo x định hướng = hiệu quả”, nhưng để áp dụng, doanh nghiệp có thể sẽ cần lắng nghe bài học từ chính những nhà lãnh đạo đã tiêu phong đi trên “vùng biển” đổi mới sáng tạo này.
Tưởng đi trước, lại đi lùi?
Apple cũng từng phải rơi vào trường hợp tưởng đi trước nhưng lại đi lùi của sáng chế mang tên Apple Newton. Sự xuất hiện của Apple Newton được kỳ vọng sẽ khởi động cuộc cách mạng thiết bị công nghê cầm tay. Tuy nhiên, ý tưởng đột phá này đã không thể chinh phục thị trường vì những tính toán sai lầm về thời điểm ra mắt sản phẩm. Lúc này các tính năng của Apple Newton còn chưa hoàn thiện nên đã không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và tiêu tốn của Apple 100 triệu USD.
Khi đổi mới trở thành vấn đề cốt lõi, doanh nghiệp nào cũng muốn ”đi trước một bước” để đón đầu các cơ hội mới. Nhưng đôi khi, việc xác định thời điểm thích hợp, bước chậm mà chắc lại giúp doanh nghiệp tránh khỏi những thất bại đáng tiếc.
Làm thế nào để doanh nghiệp không rơi vào “nghịch lý”?
Giống như 2 mặt của một đồng xu, đổi mới và những rủi ro đi kèm là điều mà doanh nghiệp không thể tránh khỏi trong suốt quá trình phát triển. Nhưng điều thú vị là dù nhiều rủi ro, có đến 96% giám đốc điều hành xác định chiến lược đổi mới là ưu tiên hàng đầu.
Bà Tiêu Yến Trinh – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: “Quản trị sự cải tiến hay đổi mới, đối với lãnh đạo doanh nghiệp, sẽ luôn là một ma trận với nhiều trăn trở, lựa chọn, quyết tâm và linh hoạt. Nhưng trên tất cả vẫn là làm sao để đổi mới song hành được với nguồn lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển.”