Xu Hướng Làm Việc Dịch Chuyển Của Dân Văn Phòng
30/05/2022
Workation, làm việc khi du lịch đang trở thành xu hướng của dân văn phòng song cần có những quy định cụ thể để phát huy hiệu quả công việc.
Workation – làm việc dịch chuyển
Nếu Work from home (làm việc tại nhà) là “từ khóa nóng” trong cao điểm Covid-19, thì Workation – “di cư” địa điểm làm việc khỏi không gian văn phòng đang trở thành xu hướng của dân công sở, nhất là giới trẻ trong thời bình thường mới. Đây là khái niệm được ghép bởi từ “Work” (làm việc) và “Vacation” (kỳ nghỉ). Xu hướng này bắt nguồn từ Mỹ và các nước châu Âu, sau đó lan dần sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo Báo cáo Chỉ số xu hướng công việc 2021 của Microsoft, 73% người lao động được khảo sát bày tỏ mong muốn duy trì phương thức làm việc linh hoạt từ xa. Tại Việt Nam, khảo sát gần đây do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tiến hành với hơn 10 nghìn người tham gia cho thấy 90% sẵn sàng đi du lịch trong vòng 10 tháng tới. Sự gia tăng nhu cầu xê dịch và đổi mới không gian làm việc đã thúc đẩy mong muốn “Workation” của dân công sở.
Thực tế, nhiều quốc gia đã triển khai những chương trình du lịch kết hợp làm việc. Tại Dubai, Chương trình làm việc thị thực (remote visa program) cho phép lưu trú 12 tháng và cung cấp các hỗ trợ để du khách vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng. Chính sách này đã giúp Dubai đón thêm 16.000 du khách trong thời gian từ 12/2020 đến 1/2021, trong đó nhóm nhân viên nước ngoài lưu trú dưới dạng Workation chiếm số lượng đáng kể.
Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Marketing và Hợp tác chiến lược Công ty tư vấn nhân sự Talentnet nhận định, “Workation” là liều an thần giúp người lao động giải toả căng thẳng, giảm tải áp lực, nhờ đó phát huy tính sáng tạo và nâng cao hiệu suất công việc. Vì vậy, không có gì lạ nếu trong tương lai gần, “Workation” trở thành lựa chọn phổ biến của các chuyên viên truyền thông, nhân viên sales, nhân sự chăm sóc khách hàng… vốn không bị lệ thuộc vào hệ thống trang thiết bị, tài liệu cố định trong công sở.
Những lưu ý để Workation phát huy hiệu quả
Tựa như một con dao hai lưỡi, “linh hoạt” là điểm mạnh, cũng là điểm yếu của hình thức “Workation”. Trong trường hợp người lao động không thuần thục kỹ năng “dùng dao”, cả làm việc và vui chơi đều sẽ trở nên hỗn loạn. Vì vậy, “Workation” hấp dẫn nhưng không hẳn phù hợp cho tất cả.
Bà Hà gợi ý, để “Workation” thực sự là giải pháp nâng cao hiệu suất công việc, cả người lao động lẫn công ty cần đặt ra một số “luật chơi” và nghiêm túc tuân thủ. Cụ thể, đôi bên cần thống nhất quy định về thời gian: nhân viên minh bạch các khung giờ làm và chơi, trong khi công ty chủ động “đặt lịch” những thời điểm làm việc cần thiết và đặt ra một số giới hạn cho khái niệm “linh hoạt”. Với các công ty hay công việc chỉ quản lý trên hiệu suất, cần đảm bảo đôi bên hiểu rõ, đồng thuận trên các tiêu chí đo lường kết quả công việc cả về định tính và định lượng. “Đa số rắc rối xảy ra khi một trong hai bên, hoặc cả hai bên không quản lý tốt mong đợi của đối phương. Sếp cần một bảng kế hoạch tối ưu lợi nhuận trong khi nhân viên – giữa khung cảnh đại dương sóng vỗ thanh bình – lại sáng tạo nên một chiến dịch bay bổng đầy tham vọng, tôi ví dụ. Vì vậy trong bối cảnh đôi bên không có những tương tác mang tính trực tiếp, thường xuyên do ‘Workation’, càng phải cẩn trọng trong cách thức truyền thông và hợp tác”, bà Hà nhấn mạnh.
Như mọi xu hướng khác, “Workation” cũng mang tính chắt lọc và đào thải. Chuyên gia nhân sự lưu ý, nếu doanh nghiệp sớm áp dụng các biện pháp thích ứng, đó sẽ là đòn bẩy hiệu suất để đón sóng tăng trưởng giai đoạn bình thường mới. Ngược lại, nếu “làm ngơ”, doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn trong bài toán con người, từ đó hụt hơi trên lộ trình đạt doanh số.
Nguồn: VNExpress